Ngày 30 tháng 12 năm 1999, Ủy ban nhân dân Thành phố ra quyết định thành lập cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước, do linh mục Phan Khắc Từ làm giám đốc.
Cơ sở Thiên Phước được xây dưng tại ấp lô sáu, xã An Nhơn Tây, Củ chi, đã được Linh mục Dong IL Kim, người Hàn Quốc tài trợ và ngày 15/8/2001 cơ sở Thiên Phước bắt đầu nhận cháu khuyết tật đầu tiên.
Thiên Phước là một đơn vị phi chính phủ tự trang trải kinh phí hoạt động, có tư cách pháp nhân. Là cơ sở trực thuộc Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Tp. Hồ Chí Minh, chịu sự quản lý của Mặt Trận Tổ Quốc Tp. Hồ Chí Minh và sự hướng dẫn nghiệp vụ của Sở Lao Động - Thương Binh và Xã Hội (Quyết định thành lập số 8128/QĐ-UB-VX ngày 30/12/1999).
Sau hơn 7 năm hoạt động, Thiên Phước đã tiết lập được 2 cơ sở nuôi dưỡng tập trung với tổng số trên 135 cháu. Cơ sở 1 (66 cháu) Tọa lạc tại xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi và cơ sở 2 (59 cháu) được đặt tại phường An Phú Đông, Q.12. Hầu hết các cháu tập trung ở các dạng bệnh: Bại não, não úng thủy nên không có khả năng tự di chuyển. Số cháu còn lại rơi vào dạng bệnh như Hội chứng Thành kinh, dị dạng tứ chi, khiếm thị…
Theo dự kiến, năm 2008 Thiên Phước sẽ thiết lập một trung tâm tại quận 8 với mục đích là để nuôi dưỡng, dạy nghề và tập huấn theo chương trình chăm sóc cộng đồng. Khi các em khuyết tật đã lớn, trên 20 tuổi và mồ côi không nơi nương tựa, các em sẽ được đưa lên trang trại Thiên Phước ở Đức Trọng rộng 108 hécta và sống từng nhóm 4 – 5 em với bảo mẫu.
Các cơ sở thuộc trung tâm từ thiện Thiên Phước sẽ trở thành một mái ấm gia đình cho các cháu tàn tật, khuyết tật với những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa. Là nơi cho các cháu tìm được niềm tin, tình yêu và hi vọng vào tương lai và cuộc sống.
Chức năng
Nuôi dưỡng, chữa trị, phục hồi chức năng cho các cháu tàn tật, bại não, bị nhiễm chất độc hóa học, mồ côi hoặc cha mẹ quá nghèo.
Tổ chức học tập cho các cháu theo yêu cầu, khả năng và giới hạn sức khỏe của các cháu.
Hướng nghiệp và dạy nghề cho các cháu như một phương tiện để các cháu hòa nhập cuộc sống với cộng đồng và xã hội.
Tạo điều kiện, giúp đỡ, chăm sóc và phục hồi các chức năng cho các cháu khuyết tật tại gia đình.