Một lần, tôi đến thăm cơ sở chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Thiên Phước tại An Phú Đông và Củ Chi. Tôi tận mắt nhìn thấy những cháu dị tật bẩm sinh do nhiễm chất độc da cam. Những đứa trẻ có hình hài quái dị.
Phần lớn các cháu nằm bất động, tay chân co quắp, mắt đờ đẫn. Người mới gặp cứ tưởng các cháu đang nhìn mình nhưng không phải. Con mắt của các cháu không có tiêu điểm nhìn cụ thể. Cũng chẳng biết các cháu nhìn đi đâu. Các cháu thực sự không nhận biết xung quanh, không biết mọi thứ. Những đứa trẻ sống trong vô thức.
Ở gần nơi tôi đứng, một chị đang cho cháu bé ăn. Cháu nằm để ăn, hai tay bị trói chặt. Cháu bị bệnh bại não và co giật. Hai tay và hai chân cứ giật liên hồi. Cả ba trăm sáu mươi lăm ngày cháu đều giật như thế. Một cơ thể không bình thường, nói không nói được, nhìn không nhìn được và cũng chẳng đi, đứng được. Cháu chỉ còn biết nuốt thức ăn, bản năng của sự sinh tồn. Sinh cháu ra, bố mẹ cháu đau đớn đến tột cùng. Chẳng ai muốn, nhưng cháu vẫn phải tồn tại vì ai nỡ vứt bỏ một sinh linh. Cháu phải tồn tại để làm nhân chứng sống, nhân chứng cho một cuộc chiến tranh tàn khốc và bi thảm. Và nếu như không có các cháu, e rằng những ngưới phát minh ra chất dioxin, những người đã rải chúng xuống dải đất hình chữ S này sẽ không bao giờ biết được tác hại kinh khủng của nó trên cơ thể của con người.
Tôi đến bên một cháu đang ngồi trên tấm thảm. Một bé trai, nhìn khá hơn các cháu khác về hình thể. Tôi đưa gói bánh cho cháu. Cháu chẳng có phản ứng. Tôi cầm tay cháu, đặt gói bánh vào đó. Tôi buông tay ra, gói bánh cũng buông theo.Tôi thực sự hụt hẫng.
Đến cơ sở Thiên Phước hôm đó cùng tôi, có đoàn cán bộ của ngân hàng Sacombank và cả đài truyền hình thành phố đi theo. Lúc phóng viên đưa micro chuẩn bị hỏi một cháu đang ngồi trên xe lăn thì một bé gái kế bên bỗng ré lên cười. Đó là cháu Lê Thị Vui. Cháu Vui sinh năm 1986, quê ở Đồng Nai, mồ côi cha, mẹ. Cháu bị bệnh động kinh, bất chợt khóc, bất chợt cười. Cháu khóc không biết lý do, cháu cười cũng vậy. Khóc đó và cười cũng đó. Khóc và cười đều do những phần tử dioxin vô cùng nhỏ bé thấm vào cơ thể của người cha truyền qua cơ thể cháu gây nên.
Cháu Nguyễn Thị Lựu, sinh năm 2001, quê ở Cát Tiên, Lâm Đồng. Cháu đã tám tuổi nhưng nhìn giống như đứa trẻ mới lên hai. Cháu bị bại não, gồng cứng suốt ngày. Khi ăn cháu càng gồng dữ. Trước khi cho cháu ăn, theo như Xơ Nhu, người ta phải cho cháu uống thuốc chống gồng, nếu không, khi đưa thức ăn vào miệng, cháu sẽ phun ra hết. Cháu nằm đó, mặt mày trông nhợt nhạt, không dấu được nỗi đau cứ thường trực dày vò.
Cháu Nguyễn Thị Như Quỳnh, bị bệnh úng thủy, động kinh và gồng mình. Cháu nằm trên tấm thảm lâu lâu gồng cả hai tay. Khi cháu gồng, toàn cơ thể như căng ra, cố gắng để chịu đựng sự đau đớn đang hành hạ và như để hai cánh tay khỏi bị văng ra ngoài cơ thể. Sau cơn co giật, cháu trở lại nằm yên. Hai con mắt của cháu nhợt nhạt, toàn thân toát lên sự mệt mỏi, rã rời. Cháu vừa trải qua một cực hình ghê gớm. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, cháu lại gồng mình tiếp. Cái điệp khúc buồn đau ấy cứ lặp đi, lặp lại, bám riết cháu, thật tội nghiệp. Thú thật tôi không dám nhìn vào cơn đau của cháu. Cơn đau đó đã truyền qua tôi, truyền qua những người có mặt hôm đó. Ai cũng lặng đi, xót thương vô hạn. Trong cơ thể tôi như có hàng ngàn mũi kim châm. Những mũi kim vừa tê tê, vừa gai gai, vừa đau, thốn đến tận ruột gan.
Không thể tả hết những nỗi đau. Mỗi một cháu ở cơ ở Thiên Phước là một nỗi đau. Những nỗi đau được sinh ra từ khi sự sống ở bào thai mới được hình thành. Những nỗi đau đó cứ lớn dần, lồ lộ trước mắt ta như những nhát dao đâm thẳng vào tim, không có ngôn từ nào tả nỗi.
Trong tay tôi lúc này đã có sẵn bản danh sách trích ngang các cháu trẻ khuyết tật ở cơ sở Thiên Phươc tại An Phú Đông, Quận Mười Hai. Tất cả có bảy mươi bảy cháu đang được nuôi dưỡng và chăm sóc ở đây. Có bốn mươi lăm cháu bị bại não, số còn lại bị bệnh đao, động kinh, câm điếc, rối loạn hành vi. Trong số các cháu bị bại não nhiều cháu kèm theo hội chứng co giật, gồng mình. Có cháu gồng hai tay, cũng có cháu gồng cả hai tay, hai chân và gồng liên tục.
Tôi lặng lẽ bước ra cửa, có hai cháu ở phía trong đứng dậy. Gương mặt hai cháu khác lạ, vừa mừng, vừa như sợ tôi đi mất. Hai cháu cứ giang bàn tay ra hướng về phía tôi như muốn níu kéo, giữ tôi ở lại. Ở trong cở sở Thiên Phước này, nhiều cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn đặc biệt. Cha mẹ gửi con vào đây, rất muốn thi thoảng lên thăm con nhưng không có tiền để mua tàu, xe, đành chịu. Các cháu có lẽ nhớ gia đình nên mỗi lần có người lạ đến là các cháu mừng như thể có cha mẹ đến thăm. Đó có thể là lý do các cháu sợ tôi đi mất. Tôi quay lại, lặng nhìn hai cháu. Các cháu nhìn tôi thiện cảm. Tôi đưa tay lên xoa đầu hai cháu rồi bước ra khỏi phòng thật nhanh để các cháu khỏi bịn rịn.Thương các cháu đến nao lòng.
Cháu đưa tay níu khách ở lại
Còn đó những khó khăn.
Trong những năm qua cơ sở Thiên Phươc đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu được cải thiện rõ rêt. Nhiều cháu trước đây chỉ nằm một chỗ, nay có thể chập chững đi, đứng được. Các cháu được châm cứu thường xuyên đã tránh được sự thoái hóa cột sống. Những ai đến với Thiên Phước từ những ngày đầu, nay trở lại, đều không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi về chất của Thiên Phước. Cơ sở khang trang và sạch đẹp hơn nhiều. Sự tiến bộ của Thiên Phươc, sự hiệu quả của Thiên Phước đã kéo những người có tấm lòng từ thiện về đây ngày một đông. Suy cho cùng đó cũng là sự tưởng thưởng của công chúng đối với một nơi có tấm lòng bao dung từ người lãnh đạo đến công nhân viên.
Tuy nhiên cơ sở Thiên Phước vẫn còn đó những khó khăn. Những khó khăn không nhỏ và thường trực hàng ngày. Nhu cầu phục vụ để chăm sóc và nuôi dưỡng cho một trăm ba mươi cháu là rất lớn. Toàn bộ chi phí đó hoàn toàn phụ thuộc vào những tấm lòng từ thiện của các nhà hảo tâm. Mỗi tháng bình quân mỗi cháu phải có trên năm trăm nghìn đồng, chi cho những hoạt động tối thiểu về chăm sóc và nuôi dưỡng. Tiền mua tả lót cho các cháu đã ngót ngét trên hai mươi triệu đồng. Và còn biết bao nhiêu khoản chi khác để duy trì sự hoạt động của cơ sở. Hầu như tất cả các cháu ở Thiên Phước đều là những bệnh nhân. Những bệnh nhân đặc biệt .
Việc chăm sóc các cháu không chỉ cần cái tâm mà còn cần đến chuyên môn cao. Cơ sở Thiên Phước đến giờ này vẫn chưa có một bác sỹ chuyên ngành để lo cho các cháu, mà có lẽ bác sỹ chuyên ngành có trình độ e cũng khó về đây vì không đủ lương để trả. Lương của ông giám đốc, phó giám đốc cũng chỉ từ một triệu rưởi đến hai triệu đồng một tháng. Thuốc dùng cho các cháu cũng là biệt dược. Tôi hỏi một bà sơ ở đây thì được biết có cháu như cháu Lưu mỗi tháng ít nhất cũng phải uống ba mươi viên thuốc chống gồng. Mỗi viên thuốc chống gồng có giá khoảng năm nghìn đồng nhưng rất khó mua. phải đến tiệm thuốc quen mới mua được, đôi khi lại hết hàng.
Phần đông các cháu được gửi vào cơ sở Thiên Phước đều có hoàn cảnh gia đình éo le và khó khăn. Cha mẹ các cháu ở xa , đời sống chật vật, không đủ tiền mua tàu xe để đến thăm con. Thiên Phước gồng mình để chăm sóc cho các cháu đã khó, lấy đâu ra tiền hổ trợ cho người thân của các cháu. Đó thực sự là một thiệt thòi cho các cháu, nhất là những cháu nhỏ tật nguyền nhưng còn cảm nhận được. Đôi khi các cháu buồn. Những nỗi buồn nhớ nhà, nhớ cha mẹ không thể nguôi ngoai. Giá như có sự động viên thăm hỏi thường xuyên của gia đình, của bố mẹ chắc chắn giúp cho sự nuôi dưỡng và chăm sóc các cháu sẽ tốt hơn.
Hai anh em ruột đều bị nhiễm chất độc da cam
Hãy tiếp sức cùng Thiên Phước
Tôi thực sự cảm kích trước những hoạt động liên tục của linh mục Phan Khắc Từ và ban lãnh đạo Thiên Phước trong việc đi xin tiền để nuôi các cháu. Tôi cũng không ngờ về sự dẻo dai của linh mục Từ. Hết tổ chức ca nhạc trống đồng đến hợp xướng truyện Kiều. Mới tiếp khách xong tại giáo xứ Vườn Xoài ông đã lên xe ôm đến quận một. Hẽ nơi nào có thể tổ chức, vận động để kiếm được tiền là ông ấy đến, bất kể ngày đêm, bất kể ai quen hay chưa quen miễn là có cơ hội để tiếp cận. Sự năng động của linh mục Phan Khắc Từ đã kéo theo cả bộ máy hoạt động tích cực. Từ ban lãnh đạo cơ sở đến lãnh đạo chi hội ai cũng cố gắng hết mình vì các cháu. Tất cả vì một mục tiêu chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu ngày một tốt hơn. Và Thiên Phước tiến bộ hàng năm ai cũng thấy rõ.
Một thực tế được đặt ra là đối tượng nuôi dưỡng và chăm sóc còn quá nhiều mà sức của Thiên Phước lại có hạn. Cách đây vài năm, một gia đình nào đó nghĩ rằng, nếu đem con của mình vào gửi trong Thiên Phước, chưa chắc đã được nhận vì Thiên Phước không còn khả năng. Vì vậy, họ buộc "vứt” đứa con của mình trước cổng của cơ sở Thiên Phước ở Củ Chi. Lòng từ bi của Phật. Lòng cưu mang của Chúa đã đưa đến một kết cục đẹp. Thằng bé sớm được phát hiện và đưa vào cơ sở Thiên Phước để nuôi dưỡng. Đứa bé được đặt tên là Phan Văn Lượm. Cái tên Lượm là để kỷ niệm việc nó được lượm vào trong Thiên Phước còn họ Phan là họ của linh mục Phan Khắc Từ. Lúc này thằng Lượm đã hơn sáu tuổi, cao hơn một mét hai, nặng ba mươi ki lô gam. Mọi người trong cơ sở gọi nó bằng một cái tên thân thương” thằng mập” . Phan Văn Lượm giờ đã lớn và khỏe mạnh hơn nhiều so với cái ngày nó được lượm.
Phần kết
Cả nước ta đang rộn ràng xây dựng cuộc sống mới. Màu xanh đã phủ kín trên mảnh đất xưa đầy bom đạn. Những ai sinh ra sau chiến tranh, bạn bè quốc tế lần đâu tiên đến Viết Nam lúc này sẽ chẳng ai nghĩ rằng Việt Nam đã trải qua cuộc chiến tranh hủy diệt. Cả Việt Nam giờ đây là một đại công trường. Tất cả đang hát vang bài đồng ca xây dựng, đầy hứa hẹn tươi đẹp của tương lai.
Một cháu đang được châm cứu
Chiến tranh đã đi qua ba mươi tư năm, song vết thương của chiến tranh vẫn còn nằm lại, đang ngấm ngầm tàn phá cơ thể sống Việt Nam. Những ai chưa biết chiến tranh. Những ai chưa biết hậu quả của chất độc da cam, hãy đến với Thiên Phước một lần, đến với các cháu khuyết tật ở Thiên Phước một lần, chỉ một lần thôi cũng đủ cảm nhận hết nỗi đau của những mảnh đời bất hạnh, để rồi hình dung ra được sự nhớp nháp, độc địa của con quỷ da cam. Con quỷ ấy đã, đang và sẽ tiếp tục tung ra hàng chục, hàng trăm kiểu diết người một cách âm thầm, lặng lẽ và vô cùng dã man, mang đến cho các cháu sự đau đớn, sự chết không báo trước. Quá khứ của cuộc chiến tranh đang dần khép lại nhưng hậu quả của nó, hậu quả của chất độc da cam vẫn đang níu kéo các cháu về phía địa ngục.
Dân tộc Việt Nam vốn rất vị tha. Chúng ta luôn hướng về phía trước, bỏ qua những sự lầm lỗi. Ta trút bỏ hận thù nhẹ như mây. Song ta không thể bỏ mặc những vết thương đang bám riết cơ thể sống của ta. Trong từng cơ thể của những gia đình vùng chiến sự, trong từng mạch nước của đất vùng trắng đang bị nhiễm độc. Nó đang âm ỉ tìm cách xâm nhập vào cơ thể của con người, kể từ khi hình thành tế bào sống, tàn phá ngay trong bào thai của những người vợ, người chị, người mẹ Việt Nam, những người đã trải qua những ngày sống trong vùng rải thảm. Nỗi đau cứ bám riết họ cho đến ngày sinh nở. Nỗi đau lớn dần lên, tàn phá những mảnh đời bất hạnh. Nỗi đau đến tận cùng, hơn cả những nỗi đau.
Tôi đến cơ sở Thiên Phước, con quỷ da cam như dẫn tôi vào lãnh địa của nó, đang tra tấn con mắt tôi. Không thể tưởng tượng nỗi. Trước mắt tôi là một trăm ba mươi hài nhi. Mỗi một hài nhi là một bản cáo trạng. Nhưng những bản cáo trạng đó không giấy viết nào có thể viết hết được bởi nỗi đau quá lớn.
Kể từ ngày Thiên Phước thành lập cho đến hôm nay, đúng mười năm. Trong mười năm ấy, chỉ riêng tại cơ sở ở Củ Chi, con quỷ da cam đã bắt mang đi về địa phủ chín cháu bé vô tội. Số đông các cháu còn lại, sự sống cũng mong manh như bọt nước. Ta không thể bỏ rơi các cháu tội nghiệp. Ta không thể bỏ rơi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đã sinh ra các cháu ấy được. Còn nước thì còn tát, phải níu kéo các cháu rời xa bàn tay của quỷ.
Tôi đi một vòng quanh các cơ sở của Thiên Phước từ An Phú Đông, Hóc Môn, đến Củ Chi và một địa điểm mà sắp tới sẽ là trung tâm Thiên Phước tại quận Tám. Tôi cũng như đang lạc vào một thiên đường của lòng nhân ái. Thiên đường cho những trẻ cháu bất hạnh. Các cháu đang được các bàn tay từ thiện khắp nơi trong và ngoài nước, của chính quyền, của dân nâng đỡ. Những bàn tay ấy như những bàn tay ông Tiên, ông Bụt, êm như ru, mát như da, mềm như lụa, đang từng giờ, từng ngày xoa dịu nỗi đau, chặn đứng sự tấn công của quỷ dữ, kéo dài sự tồn vong cho các cháu.
Mỗi một chúng ta, mỗi một tấm lòng từ thiện của chúng ta, giống như một bàn tay của Phật, một bàn tay của Chúa sẽ mang đến phúc lành cho các cháu.
Xin mọi người hãy đến với Thiên Phước, hãy tiếp sức cho Thiên Phước, xoa dịu những nỗi đau.
Bài và ảnh: Đào Trường San.